Lo bị rối loạn đông máu do từng tiêm vaccine COVID-19 là không có cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng đông máu rất hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày.

VT_ Tiêm.jpeg
Hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca nhiều năm, ngoài thời gian có thể gây đông máu

Không còn khả năng biến chứng sau nhiều năm tiêm

Trước sự quan tâm của nhiều người về việc vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây đông máu, chuyên gia cứu dịch tễ học Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam, giáo sư Y tế công cộng tại Đại học Sydney - nhấn mạnh rằng, vaccine COVID-19 có thể gây đông máu, nhưng với tỷ lệ rất thấp và chỉ với vaccine được sản xuất từ Adenovirus (AstraZeneca, J&J). Theo tổng kết của Chương trình tiêm chủng mở rộng (GAVI), 250.000 người Anh mới có 1 người bị.

Đây không phải thông tin mới. Ngay từ đầu năm 2021, AstraZeneca đã thông tin về những biến chứng này.

Vậy những người đã tiêm vaccine AstraZeneca rồi có bị cục máu đông không? Chuyên gia Nguyễn Thu Anh khẳng định: Cục máu đông chỉ xảy ra trong 2 tuần sau tiêm, nhưng là tác dụng phụ rất hiếm gặp. Trong khi đợt cuối tiêm vaccine này của hầu hết người Việt Nam đều đã cách đây nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nên không còn có thể bị đông máu nữa.

TS. Nguyễn Thu Anh phân tích cơ chế gây đông máu của vaccine:

- Tiêm vaccine vào người (chỉ loại làm từ adenovirus), vaccine kích hoạt tiểu cầu (1 loại tế bào máu trong cơ thể người)

- Tiểu cầu giải phóng ra PF4 (1 loại protein)

- Ở vài người, cơ thể họ có phản ứng miễn dịch bất thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng này liên quan tới yếu tố gen, gặp nhiều ở người châu Âu. Hầu hết mọi người khi tiêm vaccine không có kháng thể này, nhưng ở một số người, kháng thể hình thành có thể bám vào PF4 giống như keo siêu dính, tạo thành các cấu trúc lớn được gọi là “phức hợp miễn dịch”, gây ra cục máu đông.

“Hết vaccine, tiểu cầu trở về bình thường, không có PF4, thì không bị cục máu đông”, TS. Nguyễn Thu Anh thông tin.

Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Thu Anh lưu ý: Cục máu đông không chỉ xuất hiện sau tiêm vaccine AstraZeneca, mà những người mắc COVID-19 cũng có thể bị, thậm chí vào thời điểm 6 tháng sau khi mắc mới xảy ra. Do đó, nếu ai đó không may, thì dù không tiêm vaccine, cũng có thể bị cục máu đông do COVID-19.

Nhưng hiện nay, COVID-19 đã biến thể rất nhẹ và cũng không còn ai tiêm vaccine nữa nên khả năng này cũng khó xảy ra.

Về câu hỏi tại sao bây giờ nhiều người bị đột quỵ, có phải do đã từng tiêm vaccine không? TS. Nguyễn Thu Anh giải thích: Nếu do tiêm vaccine thì người tiêm phải bị đột quỵ từ lâu chứ không xuất hiện tại thời điểm này.

BS. Trương Hữu Khanh - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm- cũng nhấn mạnh: Thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây cục máu đông chỉ là tổng kết của thế giới khi sản xuất vaccine theo công nghệ đó. Người mắc COVID-19 nặng cũng hiếm xảy ra tình trạng đông máu, mà cũng chỉ xảy ra trong vòng 90 ngày sau tiêm.

BS. Khanh thông tin thêm: Đây chỉ là yếu tố để nhóm chống vaccine lấy làm cớ.

VT_ Vắc xin.jpeg
Vaccine AstraZeneca được tiêm cho lực lượng y tế đầu tiên ở Việt Nam

9 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca ở TP.HCM không ai bị đông máu

Cũng trong hôm nay (5/5), Sở Y tế TP.HCM cũng đã lên tiếng: Tình trạng xuất hiện cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca từng được ghi nhận và có tỷ lệ rất thấp.

Tháng 4/2021, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã phân tích các trường hợp có rối loạn đông máu sau tiêm vaccine COVID-19 tại châu Âu: Trong khoảng 25 triệu người thì có hơn 80 người có cục máu đông. Ủy ban An toàn của EMA đã kết luận rằng biến chứng rối loạn đông máu là sự cố bất lợi rất hiếm gặp sau tiêm vaccine AstraZeneca.

Một báo cáo của Bộ Y tế Australia công bố ngày 12/1/2024 cho biết tỷ lệ xuất hiện cục máu đông kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine AstraZeneca từ 4 đến 42 ngày sau liều đầu tiên với tỷ lệ là 2/100.000 người được tiêm chủng, sau liều thứ hai là 0,3 /100.000 người được tiêm; và cũng được nhận định đây là sự cố rất hiếm gặp.

Tình trạng xuất hiện cục máu đông kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson được ghi nhận trong báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vaccine tại nhiều nước.

WHO đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vaccine COVID-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu cục máu đông miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, cục máu đông tĩnh mạch não.

Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra trong khoảng từ 4 đến 42 ngày sau khi tiêm. Tỷ lệ đông máu sau tiêm ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt là độ tuổi 20-29. Tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng đông máu sau tiêm phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.

Do đó, EMA kết luận chuẩn y tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca, cùng với xây dựng các khuyến cáo về tư vấn, phát hiện và điều trị các biến chứng có thể xảy ra.

Ngày 22/4/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19.

TP.HCM đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm.

“Như vậy tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày. Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Do đó việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine COVID-19 là không có cơ sở”, Sở Y tế TP.HCM thông tin.